Thành lập Hội_Liên_hiệp_Quốc_dân_Việt_Nam

Ban vận động thành lập Hội gồm 27 người, trong đó có đại biểu của Việt Minh (Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận....), đại biểu các giới (chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nhà tư sản theo đạo Thiên chúa Ngô Tử Hạ, các học giả Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Luyện, Phan Anh, cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn), đại biểu Việt Nam Quốc dân Đảng (Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Vũ Hồng Khanh)[1]. Cơ cấu của Ban vận động đã thể hiện tính liên minh, liên hợp, đại diện của các tổ chức, đảng phái. Ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt, chính thức tuyên bố thành lập tại Hà Nội. Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự, Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng.

Tháng 6/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập tại Nam Bộ. Nguyễn Bình chủ trương giải tán Mặt trận Quốc gia liên hiệp để tập hợp lực lượng kháng chiến vào Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.[2]